Nghị định số 30/2021/NĐ-CP ngày 26/03/2021

Ngày 26/03/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 30/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở. Nghị định số 30/2021/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Nghị định số 30/2021/NĐ-CP sửa đổi nhiều điều khoản của Nghị định 99/2015/NĐ-CP, trong đó có một số điểm mới đáng chú ý như sau:

Thứ nhất, về trình tự, thủ tục xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương. Trước đây Nghị định 99/2015/NĐ-CP chỉ quy định chung chung trên cơ sở chương trình phát triển nhà ở của địa phương đã được UBND cấp tỉnh phê duyệt, Sở Xây dựng trực tiếp thực hiện hoặc thuê đơn vị tư vấn để phối hợp với các cơ quan có liên quan của địa phương xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở 05 năm và hàng năm để trình UBND cấp tỉnh phê duyệt. Nghị định 30/2021/NĐ-CP đã quy định rất rõ thời gian, trình tự, thủ tục điều chỉnh chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở.

Thứ hai, về thủ tục đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở. Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định về cơ quan có thẩm quyền quyết định/chấp thuận chủ trương dự án đầu tư và đối tượng được lấy ý kiến thẩm định căn cứ theo nguồn gốc vốn đầu tư dự án, cơ quan chấp thuận chủ trương đầu tư và quy mô dự án tại Điều 9; quy định về hồ sơ, trình tự đề nghị quyết định/chấp thuận chủ trương dự án đầu tư xây dựng nhà ở tại Điều 10; các quy định liên quan đến đầu tư theo hình thức xây dựng – chuyển giao tại Điều 14, Khoản 2 Điều 26 và Điều 27. Như vậy, các điều khoản trên của Nghị định 99/2015/NĐ-CP đã quy định thêm điều kiện, thủ tục đầu tư so với quy định của Luật Đầu tư 2014. Trong khi đó, hiện tại Luật Đầu tư 2020 đã có hiệu lực thay thế Luật Đầu tư 2014. Để phù hợp với các quy định của Luật Đầu tư 2020, Nghị định 30/2021/NĐ-CP đã huỷ bỏ các quy định về hồ sơ, trình tự đề nghị quyết định/chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở, đồng thời sửa đổi các quy định về việc lấy ý kiến thẩm định của cơ quan quản lý Nhà nước về nhà ở. Ngoài ra, nghị định 30/2021/NĐ-CP cũng bãi bỏ các quy định liên quan đén đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT) quy định tại Điều 14,  khoản 2 Điều 26, Điểm c khoản 2, điểm c, đ khoản 4 Điều 27, Khoản 3 Điều 29. Theo quy định mới, dự án đầu tư xây dựng nhà ở thực hiện theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT) thì việc xử lý chuyển tiếp được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Thứ ba, về việc mở, bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu. Nghị định 30/2021/NĐ-CP vẫn giữ nguyên mức 2% kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư; nhưng sửa đổi, bổ sung quy định:

  • Thời điểm mở tài khoản quản lý kinh phí bảo trì nhà chung cư: Trước khi ký hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở hoặc phần diện tích khác trong nhà chung cư;
  • Địa điểm mở tài khoản: một tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi chung là tổ chức tín dụng) đang hoạt động trên địa bàn nơi có nhà ở mua bán, thuê mua;
  • Mỗi một dự án đầu tư xây dựng nhà ở có nhà chung cư, chủ đầu tư phải lập một tài khoản theo quy định tại khoản này để quản lý kinh phí bảo trì nhà chung cư của dự án đó; sau khi mở tài khoản, chủ đầu tư phải có văn bản thông báo cho Sở Xây dựng nơi có dự án biết về tên tài khoản, số tài khoản đã mở, tên tổ chức tín dụng nơi mở tài khoản và kỳ hạn gửi tiền.
  • Sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư: Khi chưa bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị nhà chung cư mà phát sinh việc bảo trì các hạng mục, thiết bị thuộc phần sở hữu chung của nhà chung cư đã hết thời hạn bảo hành theo quy định thì chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện việc bảo trì các hạng mục, thiết bị này nhưng phải tuân thủ kế hoạch, quy trình bảo trì công trình được lập theo quy định của pháp luật về xây dựng và chủ đầu tư được hoàn trả lại các khoản đã sử dụng cho việc bảo trì nếu có báo cáo, chứng từ chứng minh.
  • Ngoài trường hợp trên, Chủ đầu tư không được yêu cầu tổ chức tín dụng trích kinh phí mà các bên đã nộp vào tài khoản để sử dụng vào bất kỳ mục đích nào khác khi chưa bàn giao cho Ban quản trị nhà chung cư.

Đối với diện tích căn hộ, phần diện tích khác mà chủ đầu tư giữ lại không bán hoặc chưa bán, chưa cho thuê mua tính đến thời điểm bàn giao đưa nhà chung cư vào sử dụng mà thuộc diện phải nộp kinh phí bảo trì 2% theo quy định của Luật Nhà ở 2014 thì chủ đầu tư phải chuyển số kinh phí này vào tài khoản đã lập. Trường hợp chủ đầu tư không nộp kinh phí bảo trì hoặc không bàn giao kinh phí bảo trì theo quy định thì chủ đầu tư bị xử phạt vi phạm hành chính, bị cưỡng chế bàn giao theo quy định tại Điều 37 của Nghị định này; ngoài ra, tùy từng trường hợp, chủ đầu tư còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.